trang chủ tin tức xe Thị trường ô tô Người tiêu dùng hồi hộp chờ giảm lệ phí trước bạ xe ô tô

Người tiêu dùng hồi hộp chờ giảm lệ phí trước bạ xe ô tô

Từ đầu năm 2024 tới nay, thông tin hứa hẹn về một đợt giảm lệ phí trước bạ với ô tô, tương tự như những năm trước, đã vô tình bóp nghẹt sức mua trên thị trường. Điều này tạo ra tâm lý chờ đợi với người tiêu dùng và dẫn đến khó khăn cho các nhà sản xuất.

mot-dot-giam-le-phi-truoc-b.jpg
Một đợt giảm lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, tạo ra động lực phát triển cho ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Hoàng Thúc

Doanh số bán xe chững lại

Sau 3 năm ô tô lắp ráp trong nước liên tục được hưởng mức giảm 50% lệ phí trước bạ, người tiêu dùng bước vào năm 2024 với tâm lý đợi chờ. Xu hướng này rõ hơn khi câu chuyện giảm lệ phí trước bạ liên tục được đề cập.

Nhiều đại lý ô tô chia sẻ, nhìn chung khách hàng đều mong muốn có một chính sách rõ ràng về lệ phí trước bạ trước khi quyết định mua ô tô.

Anh Ngọc Tuấn (huyện Hoài Đức) cho biết, đang tìm mua một chiếc xe cỡ nhỏ của KIA hay VinFast, nhưng chần chừ vì e ngại “nhỡ lệ phí trước bạ giảm từ đầu tháng 7”, có thể sẽ mất vài chục triệu đồng. Theo anh Tuấn, việc mua xe là quyết định lớn về tài chính, đòi hỏi sắp xếp dòng tiền trong gia đình, nên khó lòng thay đổi “một sớm một chiều”.

Trong khi đó, trên nhiều nhóm mạng xã hội, thông tin trái chiều về cơ hội giảm lệ phí trước bạ bắt đầu xuất hiện dày đặc, càng khiến người tiêu dùng hoang mang. Xu hướng chờ đợi cũng diễn ra ở cả với phân khúc xe sang.

Theo một đại lý ô tô Mercedes-Benz tại thành phố Hồ Chí Minh (hãng xe sang duy nhất tại Việt Nam có bán các sản phẩm lắp ráp trong nước), có tới 70% khách đặt cọc trong tháng 6-2024 đều ưu tiên chọn các mẫu lắp ráp trong nước, nhưng chờ lệ phí trước bạ được giảm mới hoàn tất thủ tục thanh toán và đăng ký.

Thông tin về giảm lệ phí trước bạ lần thứ tư xuất hiện đều đặn làm nức lòng thị trường ô tô đang tồn tại nhiều khó khăn, trong lúc vẫn phải “chạy nước rút” trước thềm giai đoạn thấp điểm mua sắm. Tháng 6 cũng là tháng cuối cùng của quý II và nửa đầu năm 2024, là thời điểm ghi nhận những áp lực về doanh số.

Trong khi đó, từ đầu năm 2024 đến nay, mặc cho các hãng xe và đại lý đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn, giảm tiền mặt trực tiếp vào giá bán để kích cầu, nhiều mẫu ô tô giảm giá tới hàng trăm triệu đồng, nhưng doanh số bán xe chưa thật sự khởi sắc, đặc biệt là ở nhóm xe lắp ráp trong nước.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong số 25.794 ô tô tiêu thụ trong tháng 5-2024, lượng xe lắp ráp trong nước đạt 11.985 chiếc, chỉ nhỉnh hơn 0,02% so với tháng 4-2024. Trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra đạt 13.809 chiếc, với doanh số tăng 6% so với tháng 4 và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.

Khó cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất

Trong bối cảnh sức mua giảm, ảnh hưởng tới sản lượng xe lắp ráp trong nước, một đợt giảm lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, tạo ra động lực cho ngành công nghiệp ô tô theo cách tương tự như ba đợt trước đây. Tuy nhiên đến nay, chính sách này vẫn nằm ở ý kiến đề xuất, chưa được ban hành, gây ra tâm lý chờ đợi trên thị trường. Điều này đã làm khó cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Một đại lý ô tô Hyundai tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết, các mô hình thanh toán trở nên kém chính xác do không chắc chắn về khả năng giảm lệ phí trước bạ, cũng như mức giảm và thời điểm giảm, khiến hiệu quả tư vấn và “chốt đơn” khách mua xe không như kỳ vọng.

Để ứng phó, hàng loạt giải pháp đã được các hãng xe tung ra. Phương án được ưa thích là vận dụng ưu đãi để khuyến khích người mua xe đặt cọc trước, rồi hoàn tất thủ tục lăn bánh sau. Nhiều đại lý bán xe KIA “chiều” khách hàng tới mức cam kết chờ tới khi lệ phí trước bạ giảm mới yêu cầu thanh toán. Một số đại lý bán xe Toyota sẵn sàng hoàn cọc cho khách nếu đợt giảm lệ phí trước bạ không trở thành hiện thực.

Tìm hiểu thực tế cũng cho thấy, không ít nhân viên kinh doanh, chủ yếu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chào hàng với báo giá lăn bánh ô tô với mức tính thuế trước bạ chỉ 5% (gần tương đương giảm 50%).

Chưa dừng ở đó, các nhà sản xuất và chuỗi kinh doanh còn đang đau đầu với việc điều tiết sản phẩm nhập khẩu để bảo đảm tính cạnh tranh, trong đó có giảm giá để đón đầu khả năng giảm lệ phí trước bạ.

Tháng 6-2024, Mitsubishi hỗ trợ tương đương 100% lệ phí trước bạ với hầu hết dòng xe nhập khẩu, trong khi Nissan thậm chí ưu đãi tương đương tới 150% lệ phí trước bạ cho cả ba mẫu xe nhập khẩu là Almera, Navara và Kicks. Nhiều dòng xe lắp ráp trong nước được điều chỉnh lịch trình làng ngay trong tháng 6-2024, “đề phòng” việc điều chỉnh lệ phí trước bạ…

Trong bối cảnh cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều mong ngóng, một quyết sách rõ ràng về lệ phí trước bạ lúc này là rất cần thiết. Điều này vừa góp phần “cởi trói” thị trường, vừa có thể tạo ra giai đoạn bùng nổ doanh số, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp ô tô. Kịch bản này nếu trở thành hiện thực còn đóng góp quan trọng vào việc cân bằng nguồn thu ngân sách.

(Nguồn: hanoimoi.vn)